Sắp có nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Nam Định

Nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26, đồng thời thúc đẩy nguồn năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam, vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.

Cụ thể, tháng 10/2021, Công ty cổ phần Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) đã đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông tại Khu công nghiệp Nam Rạng Đông (trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000MW/năm, mỗi cột có tua bin công suất từ 5-20MW/cột – loại lắp đặt ngoài biển; với mục tiêu sản xuất đạt tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Bên cạnh đó, Nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.

Theo đại diện Công ty cổ phần Cơ khí Rạng Đông cho biết: “Dự kiến, Dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông có tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024”.

Với tiềm năng dồi dào, việc tăng cường đầu tư vào phát triển các dự án điện gió sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh minh hoạ)

Cũng trong tháng 11, tại văn bản số 913/UBND-VP5 ngày 22/11/2021, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Cơ khí Rạng Đông được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.

Theo đó, diện tích khảo sát khoảng 12.500km2. Cụ thể, ranh giới phía Bắc giáp vùng biển tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Ninh Bình, phía Tây là đường triều kiệt các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, phía Đông trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, đại diện công ty cho hay, với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) vừa qua về mục tiêu và tham vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt từ khẳng định của Thủ tướng, với lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Với cam kết này của Chính phủ, có thể thấy dự án đầu tư vào sản xuất thiết bị điện gió mà Xuân Thiện đang triển khai càng thể hiện sự phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế” – đại diện công ty cho hay.

Khi đạt mục tiêu sản xuất thiết bị điện gió đạt tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%, các dự án điện gió sẽ được thực hiện có hiệu suất cao, nhiều lợi nhuận về kinh tế. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo đại diện công ty, việc tập trung quy hoạch và phát triển điện gió tại các địa phương không chỉ đánh thức, khai thác tiềm năng tài nguyên gió phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng, bổ sung nguồn điện cho quốc gia, mà còn góp phần hỗ trợ cho ngành công nghiệp phát triển ổn định.

“Không những điều này tạo đà để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tạo thiết bị công nghiệp nặng cho ngành điện gió hiện nay đang phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ nước ngoài 100%, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” – vị này cho biết.

Trước đó, tại văn bản số 5092 ngày 17/11/2021 do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký về việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh này đã đồng ý cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi của tỉnh, làm cơ sở lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện gió sau khi quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Văn bản số 5092 đã nêu rõ: Tổng diện tích dự kiến khảo sát lên tới 3.162km2, có ranh giới cụ thể phía Bắc giáp vùng biển thuộc Hải Phòng, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Nam Định, phía Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam và phía Tây giáp với Khu kinh tế Thái Bình.

Được biết, đến thời điểm này, Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư thành công gần 2.000MW điện năng lượng tái tạo trên cả nước. Việc Tập đoàn này đầu tư sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị phục vụ lắp đặt các dự án điện gió nhằm khẳng định lợi thế cạnh tranh, bảo đảm mang lại hiệu suất cao cho các dự án phát triển điện gió, trước mắt là tại hai tỉnh Thái Bình, Nam Định và tương lai là nhiều dự án khác.

Nguồn:Đỗ Nga – http://congthuong.vn/